image banner
Truyền thống văn hóa

Trước thế kỷ XIX vùng Đồng Tháp Mười nói chung và Thạnh Trị nói riêng ít dân sinh sống. Đây là vùng ngập nước vào mùa mưa, cây cối chủ yêu là tràm, điên điển, so đũa, bàng, lác, lau, sậy hoang vu, cá, tôm, chim, muỗi, đỉa, rắn ...nhiều vô kể.

Từ thế kỷ XVII, nhiều nông dân nghèo ở vùng Thuận - Quảng (vùng Quảng Bình, Thừa Thiên, Quảng Nam ngày nay) đã rời bỏ quê hương lưu tán đến vùng Đồng Nai, Gia Định với hy vọng lập nghiệp ở vùng đất mới dễ sống hơn, nơi chế độ phong kiến bớt hà khắc. Lúc đầu họ khai phá ở vùng Bà Rịa, Đồng Nai rồi tiến dần xuống các giồng đất cao ven sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây và đồng bằng sông Cửu Long và tới tận Hà Tiên.

Trong công cuộc mở cõi về phía Nam, các vua nhà Nguyễn rất ưu tiên trong việc chiêu mộ dân đến vùng đất mới khai hoang, lập ấp, đặc biệt gắn với bảo vệ các vùng biên giới Hà Tiên, Châu Đốc, Sa Đéc, Long An... Nhưng ở Đồng Tháp Mười do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt vẫn ít dân đến khai phá.

Gọi là Thạnh Trị hay Thịnh Trị nghĩa là vùng đất thịnh đạt, phát triển. Ai định cư làm ăn ở đây cũng thuận lợi, khấm khá, ngày càng tiến bộ.

Trước năm 1954, vùng Thạnh Trị dân cư thưa thớt. Cả xã chỉ khoảng vài chục hộ.

Đến năm 1957 chính quyền Diệm thực hiện "Quốc sách dinh điền" tức là di dân miền Bắc, miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi...) bị bắt ép di cư vào Nam từ năm 1954, nay đưa tới những vùng đất hoang để khai phá, lập ấp, lập làng, chủ yếu ở vùng biên giới và vùng giáp ranh với căn cứ kháng chiến của ta. Tỉnh Kiến Tường đến tháng 11-1957 có 8 điểm dinh điền là : Vĩnh Thành, Bình Hiệp, Ấp Bắc, Bình Hòa Thôn, Thạnh Trị, Thái Trị, Hưng Điền, Nhơn Hòa, tập trung được 11.904 người, khai phá 6.583 mẫu ruộng. Đến năm 1958, ở Kiến Tường chính quyền Diệm lập thêm 9 khu dinh điền nữa, nâng tổng số khu dinh điền trong tỉnh là 17, với số dân là 20.000 người.

Địa điểm dinh điền Thạnh Trị được chính quyền Diệm đưa giáo dân miền Bắc gồm các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Thanh Hoá... tới sinh sống.

Nếu như năm 1971 cả xã Thạnh Trị mới có 736 người, thì đến nay (2008) xã Thạnh Trị có 728 hộ với số dân 2.644 người.

Về tôn giáo, đa số nhân dân xã Thạnh Trị thờ cúng ông bà, tổ tiên trong đó có 118 hộ với 416 tín đồ theo đạo Thiên Chúa, 12 hộ với 12 tín đồ theo đạo Cao Đài, 3 hộ với 3 tín đồ theo đạo Phật. Cả xã có 1 nhà thờ.

 Người Kinh chiếm phần lớn trong dân số xã, ngoài ra còn có một hộ Khơ me. Nhân dân làm nhà sống theo từng khu dọc theo bờ kênh. Nghề nghiệp chính của cư dân nơi đây là nghề nông, trước kia làm một năm / 1 vụ, nay nhờ mạng lưới thủy lợi tốt, giống lúa ngắn ngày, một năm nhân dân đã làm 2- 3 vụ. Ngoài ra còn một số người sống bằng nghề đan đệm, buôn bán nhỏ, sửa chữa cơ khí...Bữa ăn của người dân ở đây chủ yếu là trên cơm, dưới cá.

“ Muốn ăn bông súng cá kho.

Hãy về Đồng Tháp ăn cho đã thèm “

Câu ca dao trên nói lên phần nào đặc trưng nổi bật những món ăn dân dã của cư dân nơi đây. Ăn cơm với bông súng cá kho, canh chua cá nấu với me, bông súng, bông điên điển... đậm dà hương vị Tháp Mười. Trước kia người ít, vùng Đồng Tháp chưa được khai phá, cá tôm nhiều vô kể, nhưng nay nguồn lợi cá tự nhiên ít dần, phải nuôi mới có cá ăn.

Người dân Thạnh Trị từ xưa đã có truyền thông lao động cần cù. Vùng này trước kia vốn lau, sậy, bàng, lác rậm rạp... vậy mà qua bàn tay lao động thông minh của con người nayđã trở thành xóm ấp, ruộng vườn, lúa màu xanh tốt tận chân trời. Những câu ca dao dưới đây phản ánh phần nào công cuộc khai hoang, lập làng của cư dân Thạnh Trị:

Lá dâu thành lụa lâu ngày

Đất hoang thành lúa nhờ tay chuyên cần.

              X

       X

Đất mầu gieo đậu, gieo ngô.

Đất lầy cấy lúa, đất khô nuôi bò.

     X

                 X

Hò ơ! Gió đây, gió đưa lúa xanh, tràm biếc.

Nước giựt rồi, tháng chạp lúa vàng...

Lúa vàng em cắt về làng

Xuồng em đầy lúa nhìn càng thêm xinh

Bên cạnh đồ mồ hôi, công sức vỡ đất, lập làng, người Thạnh Trị còn đổ cả máu, nước mắt chống áp bức của địa chủ Lê Phát Vĩnh, Lê Thị Bình thu tô cao, thuế nặng.

Nửa cuối thế kỷ XIX khi thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ thì vùng Đồng Tháp Mười sớm trở thành căn cứ kháng chiến của Thiên Hộ Dương, Đốc Binh Kiều, gây cho Pháp nhiều thiệt hại.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả vùng Đồng Tháp Mười lại được Xứ ủy Nam Bộ chọn làm căn cứ kháng chiến chống Pháp xâm lược, nơi đây được mệnh danh là "Việt Bắc của miền Nam", " Thủ đô kháng chiên của Việt Minh" Suốt 21 năm chống Mỹ, vùng Thạnh Trị thuộc hệ thống phòng thủ biên giới của chúng nên nơi đây là một trong những nơi tranh chấp quyết liệt giữa ta và giặc.

Từ năm 1976, bọn phản động Pôn pốt bên đất Căm Pu Chia liên tiếp xâm phạm lãnh thố, gây ra cuộc chiến tranh biên giới làm phương hại đến tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Căm Pu chia, Đảng Bộ và quân dân Thạnh Trị lại cầm chắc tay súng góp phần bảo vệ vững chắc biên cương, cưu mang hơn 1 ngàn dân Căm Pu Chia chạy sang lánh nạn.

Ngày nay, quân và dân Thạnh Trị đang hăng hái tăng gia sản xuất, phát triển thủy lợi, cải tạo đồng ruộng, thâm canh tăng vụ, xây dựng đường xá, cầu cổng, trường học, kéo điện lưới quốc gia về từng hộ gia đình, giữ gìn an ninh trật tự, giữ gìn biên giới lãnh thổ... viết tiếp những truyền thống tốt đẹp của quê hương.

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1